


|
Chi tiết tin
Ngày 25/3, Bộ LĐ-TB-XH có văn bản số 1064 hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Ngoài các doanh nghiệp khó khăn thật sự thì không ít doanh nghiệp lợi dụng dịch Covid-19 tiến hành chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo Điều 38 Bộ luật Lao động (BLLĐ) với người lao động mà không có bất kỳ hỗ trợ nào, khiến người lao động vốn đã lao đao vì dịch lại càng khốn khó!
Theo Văn bản 1064/ LĐTBXH-QHLĐTL, việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19 sẽ được thực hiện theo Điều 98 (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan); Khoản 3 Điều 98 đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định); Điều 31 đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định; Điều 32 nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện; Điều 38 hoặc Điều 44 nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc.
Mới đây, một doanh nghiệp tại Đồng Nai, hoạt động trong ngành gỗ đã đồng loạt cho hơn 1.000 công nhân nghỉ việc. Điều đáng nói, nếu công nhân thuận theo yêu cầu của công ty là làm đơn xin nghỉ không lương thì công ty có hỗ trợ một khoản trợ cấp nhất định kèm lời hứa sẽ ưu tiên nhận trở lại làm việc khi dịch Covid-19 qua với mức lương bằng mức lương khi nghỉ việc. Trường hợp công nhân không chịu làm đơn xin nghỉ việc, công ty “dọa” sẽ áp dụng Điều 38 BLLĐ chấm dứt HĐLĐ mà không có bất kỳ khoản hỗ trợ nào.
Tương tự, chị Ngọc Thúy, làm việc tại một công ty may ở Bình Dương, chia sẻ: Chị vừa ký thỏa thuận nghỉ không lương với đại diện công ty vào cuối tháng 3 vừa qua. “HĐLĐ của tôi sắp hết, nếu không ký thỏa thuận nghỉ không lương, công ty sẽ liệt vào dạng “chống đối”, sau này khó xin được việc, hơn nữa hết HĐLĐ thì công ty cũng cho nghỉ. Phòng nhân sự còn nói, công ty được quyền chấm dứt HĐLĐ với tôi mà không phải bồi thường gì cả vì dịch bệnh nên họ được quyền làm thế”, chị Thúy chia sẻ.
Luật sư Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai, đánh giá: Trước tình trạng, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cho doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ hưu trí – tử tuất, giãn nộp thuế, cho doanh nghiệp vay tiền trả lương với lãi suất thấp… Nhưng có vẻ như nhiều doanh nghiệp không quan tâm biện pháp hỗ trợ mà biện pháp đầu tiên sẽ thực hiện là làm sao giảm lương, giảm lao động. Cách thức thực hiện là chủ doanh nghiệp sẽ yêu cầu người lao động viết đơn thôi việc, yêu cầu người lao động ký thỏa thuận nghỉ không lương…
“Khi viết đơn nghỉ việc, người lao động cần suy nghĩ kỹ vì nghỉ việc thời gian này sẽ khó kiếm được việc làm mới. Nếu người lao động không viết đơn thôi việc, doanh nghiệp không dễ cho người lao động thôi việc. Nếu người lao đồng đồng cảm, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người lao động có quyền thỏa thuận nghỉ không lương. Nếu người lao động không đồng ý thì doanh nghiệp có thể thỏa thuận để trả lương ngừng việc theo Khoản 3, Điều 98 BLLĐ”, luật sư Vũ Ngọc Hà chia sẻ.
Theo luật sư Hà, Văn bản 1064/ LĐTBXH-QHLĐTL có nêu “Nếu trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài thì có quyền áp dụng Điều 38 và Điều 44 của BLLĐ để cho người lao động thôi việc. Tuy nhiên văn bản không nêu rõ về trình tự thủ tục và điều kiện áp dụng nên sẽ phát sinh tình huống là doanh nghiệp cứ áp dụng “bừa” làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Văn bản xác định “nếu thời gian ngừng việc kéo dài người sử dụng lao động có thể áp dụng Điều 38 để cho người lao động thôi việc”, tuy nhiên văn bản không nêu rõ điều kiện, trình tự, thủ tục như thế nào, thế nào là “thu hẹp sản xuất”… dẫn đến doanh nghiệp cứ dựa vào văn bản này phổ biến cho người lao động là công ty được cho nghỉ. Người lao động thấy Văn bản của cơ quan chức năng nói như vậy thì cũng đành chấp nhận.
“Điều đáng nói là nếu doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc theo Điều 38 thì không được hỗ trợ gì, sẽ khó khăn càng khó khăn hơn” – Luật sư Vũ Ngọc Hà nhận định. Theo luật sư Hà, cơ quan chức năng cần có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng dịch Covid-19, áp dụng “bừa” Điều 38 BLLĐ để cho người lao động nghỉ việc.
nguồn :cuocsongantoan.vn
TÌM KIẾM
THÔNG BÁO
AUDIO
HÌNH ẢNH
























































































VIDEO
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ
  Đang truy cập : 1
  Hôm nay: 37
  Tổng lượt truy cập: 241158