Đáng chú ý, đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động, theo thống kê cả nước đã xảy ra 1.207 vụ TNLĐ làm 1.266 người bị nạn. Đối với đối tượng NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động, các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí luyện kim. Theo đó, điển hình tại các tỉnh Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… , số vụ và số người chết vì TNLĐ cao.
Trong năm 2017 có 18.885/350.804 doanh nghiệp báo cáo về TNLĐ; ước khoảng 5,4% doanh nghiệp báo cáo. Số doanh nghiệp chấp hành báo cáo tình hình tai nạn lao động chưa nghiêm, chưa đầy đủ, do vậy việc tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá về tình tình đảm bảo ATLĐ hiện nay, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: “Các con số báo cáo về TNLĐ có độ vênh giữa báo cáo của Bộ Y tế và Bộ LĐTBXH. Qua đây, có thể thấy chất lượng báo cáo của các doanh nghiệp về ATLĐ không đầy đủ. Điều này thể hiện qua tỷ trọng số lượng báo cáo ít và nhiều khi cũng che giấu tai nạn lao động nặng, nhất là ở khu vực phi kết cấu. Ở đây, có trường hợp che giấu, hoặc thỏa thuận bằng tiền bạc với gia đình khi xảy ra TNLĐ chết người”.
Thời gian qua, thống kê TNLĐ trong khu vực không có hợp đồng lao động được được chú trọng. Tuy nhiên, đánh giá về con số thông kê ở khía cạnh này, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch TLĐLĐVN khẳng định, báo cáo năm vừa rồi có được số lượng của khu vực phi kết cấu nhưng trong thực tế con số này còn nhiều hơn. Ở đây, công tác thống kê báo cáo hiện còn kém, tỷ trọng số người bị tai nạn lao động thống kê không được đầy đủ.